Nhà sản xuất thuốc nhuộm chuyển từ phương Tây sang châu Á
Ngày nay, các nước phương Tây đang trở thành địa điểm kinh doanh khó khăn và không đáng tin cậy đối với nhiều nhà sản xuất thuốc nhuộm và bột màu. Trong vòng một năm rưỡi qua, ba nhà sản xuất thuốc nhuộm lớn tại phương Tây là Hunstmann Corp., Dy Star và Clariant đã công bố các kế hoạch di chuyển trụ sở kinh doanh đến Singapo. Chương trình sát nhập giữa các nhà sản xuất bột màu cũng đang dẫn đến các đợt đóng cửa nhà máy tại châu Âu và Mỹ cũng như mở rộng sản xuất ở châu Á để cung ứng bột màu cho các nhà sản xuất những sản phẩm tiêu dùng mới.
Đồng thời, những tiến bộ trong lĩnh vực điện tử đang làm cho một số thị trường cũ trong lĩnh vực bột màu suy giảm mạnh. Ngày càng nhiều người đọc tin trên các màn hình điện tử thay cho báo in, doanh số mực in do đó đã giảm mạnh.
Một số nhà sản xuất thuốc nhuộm và bột màu châu Á đã thực hiện những vụ mua bán sát nhập quan trọng. Ví dụ, Công ty Kiri Dyes & Chemicals (Ấn Độ) và Tập đoàn Zhejiang Longsheng (Trung Quốc) mới đây đã liên kết với nhau để mua Công ty DyStar. Các công ty hàng đầu khác của châu Á như Everlight Chemical (Đài Loan) và Anoky Textile Chemicals (Thượng Hải, Trung Quốc) cũng thực hiện các vụ mua bán sát nhập tương tự.
Nhìn chung, theo các nhà quan sát thị trường, các nhà sản xuất thuốc nhuộm và bột màu đang dịch chuyển gần hơn đến khách hàng ở châu Á, hoạt động nghiên cứu và triển khai trong lĩnh vực này cũng đang dần chuyển dịch đến châu Á.
Ngành sản xuất thuốc nhuộm
Cách đây một thập niên, 5 công ty châu Âu là DyStar, Ciba, BASF, Clariant và Yorkshire Chemicals đã kiểm soát hơn một nửa sản lượng thuốc nhuộm trên thế giới, với tổng giá trị khi đó là khoảng 5,5 tỷ USD. Các nhà sản xuất châu Á chiếm phần lớn sản lượng còn lại. Nhưng bất chấp những nỗ lực của 5 công ty nói trên trong việc phát triển các loại thuốc nhuộm mới với tính năng cao, doanh thu của họ đã không phát triển tương ứng. Trong khi đó, theo đánh giá của các nhà phân tích trong ngành, hiện nay tổng giá trị các hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc nhuộm toàn cầu đã đạt khoảng 6 tỷ USD.
Ngày nay, chỉ còn một công ty châu Âu duy nhất – Công ty Clariant – giữ vai trò là nhà sản xuất thuốc nhuộm quan trọng tại đây. Công ty Yorkshire Chemicals tại Anh (được thành lập bởi William H. Perkin, người đã phát minh thuốc nhuộm tổng hợp hữu cơ đầu tiên vào năm 1856) đã phá sản vào năm 2005. Một tập đoàn Hồng Công đã mua lại các cơ sở còn lại của Yorkshire Chemicals tại Đức và châu Á để tiếp tục vận hành trong tập đoàn Yorkshire.
Năm 2006, Công ty Huntsmann (Mỹ) đã mua lại bộ phận sản xuất kinh doanh thuốc nhuộm của Công ty Ciba (Thụy Sĩ) với giá 270 triệu USD. Năm 2008, Huntsmann đã tái cơ cấu hoạt động và cắt giảm nhiều chỗ làm việc tại Đức, Pháp, Mêhicô.
Nhưng không công ty nào minh họa tốt hơn như Công ty DyStar về sự thoái trào của các nhà sản xuất thuốc nhuộm phương Tây trên thị trường thế giới. Công ty này được thành lập năm 1995 từ các bộ phận sản xuất kinh doanh thuốc nhuộm của các công ty Bayer và Hoechst, đến năm 2000 nó còn tiếp quản bộ phận sản xuất kinh doanh thuốc nhuộm của Công ty BASF (Đức). Năm 2004, DyStar đã mua lại các bộ phận tương tự của Công ty Yorkshire (Mỹ). Năm 2004, Công ty Mỹ Platinum Equity đã mua lại DyStar từ các chủ sở hữu của nó là các công ty BASF, Hoechst và Bayer, với giá ước tính khoảng 680 triệu USD. Mặc dù vậy, tuy năm 2008 đã đạt doanh số 1,2 tỷ USD và chiếm 20% thị phần toàn cầu, nhưng điều đó cũng không ngăn DyStar bị phá sản vào năm 2009.
Sau đó, đầu năm 2010 Công ty Kiri Dyes & Chemicals (Ấn Độ) đã liên kết với Công ty Longsheng (Trung Quốc) và mua lại phần lớn các cơ sở của DyStar với giá chỉ 370 triệu USD. Vụ mua bán này là một hoạt động táo bạo của Kiri Dyes – một công ty chỉ có 3 nhà máy tại Ấn Độ với doanh số hàng năm chỉ đạt 72 triệu USD. Trong khi đó, Công ty Longsheng có công suất 270.000 tấn thuốc nhuộm /năm và tự tuyên bố là nhà sản xuất thuốc nhuộm lớn nhất thế giới.
Công ty Kiri Dyes cho biết, DyStar đang có kế hoạch tăng lợi nhuận bằng cách dịch chuyển sản xuất từ Đức sang châu Á. Ngoài ra, trụ sở của DyStar cũng được di chuyển từ Frankfurt sang Singapo. Trong báo cáo tài chính mới đây, Kiri Dyes cho biết DyStar sẽ tiết giảm được nhiều chi phí nhờ cắt giảm 500-600 chỗ làm việc còn lại ở Đức. Trước khi được sát nhập, Công ty này có 1350 người làm việc ở Đức.
Theo Công ty Kiri Dyes, hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc nhuộm toàn cầu đã chín muồi cho các đợt củng cố sát nhập.
Hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc nhuộm của Công ty Clarriant mới đây cũng đã trải qua những chuyển biến lớn. Công ty có kế hoạch di chuyển trụ sở của các bộ phận sản xuất hóa chất dùng cho vải dệt và bộ phận ứng dụng công nghệ toàn cầu từ Thụy Sĩ sang Singapo – trung tâm chính của các thị trường vải dệt trên thế giới. Theo Clariant, họ đang đứng trước tình hình khác thường là phải mua nguyên liệu ở Trung Quốc, vận chuyển đến châu Âu, sản xuất các sản phẩm với giá cao hơn một cách đáng kể rồi lại vận chuyển trở về châu Á là nơi mà Công ty có những khách hàng chính. Điều này mâu thuẫn với lôgic kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh của Công ty trong các khu vực đó. Vì vậy, Clariant không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc dịch chuyển sản xuất sang châu Á.
Theo Ban Giám đốc Bộ phận vải dệt của Công ty Huntsmann, việc dịch chuyển bộ phận này sang Singapo cũng rất quan trọng. Nếu họ không thiết lập được vị thế trên thị trường châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Trung Quốc, hoạt động kinh doanh trong tương lai sẽ rất khó khăn. Địa điểm tại Singapo cho phép Huntsmann hoạt động linh hoạt hơn, đặc biệt là vì trong thập niên qua các khách hàng quan trọng của Công ty cũng đã dịch chuyển từ Tây âu và Mỹ sang châu Á.
Ngành sản xuất bột màu
Ngành sản xuất kinh doanh bột màu trên thế giới đa dạng hơn ngành sản xuất kinh doanh thuốc nhuộm và không bị ảnh hưởng mạnh bởi sự dịch chuyển sản xuất sang châu Á. Các loại bột màu hữu cơ, với giá trị thị trường toàn cầu đạt khoảng 2,7 tỷ USD, đang phục vụ cho nhiều khách hàng khác nhau trong các lĩnh vực sơn, chất dẻo, mực và mỹ phẩm.
Nhưng tương tự như ngành sản xuất thuốc nhuộm, ba công ty sản xuất bột màu hữu cơ lớn là BASF (Đức), Clariant (Mỹ) và DIC (Nhật Bản) cũng đã nhận thấy tác động của xu hướng dịch chuyển sản xuất. Năm 2009, BASF đã mua lại Công ty Ciba và các bộ phận sản xuất bột màu của Công ty Thụy Sĩ này. Tháng 4/2009, BASF đã thực hiện kế hoạch cắt giảm các cơ sở sản xuất tại phương Tây và tăng cường vị thế của mình tại châu Á.
BASF dự kiến đến năm 2013 sẽ đóng cửa 6 nhà máy, phần lớn liên quan đến sản xuất bột màu azo và phtaloxyanin. Chương trình cắt giảm này ảnh hưởng đến các địa điểm tại châu Âu và Mỹ.
BASF cũng có kế hoạch cắt giảm 500 -2900 chỗ làm việc tại Scốtlen, Đức, Hà Lan, Braxin, Mỹ và bổ sung 30 chỗ làm việc tại châu Á. Công ty sẽ đầu tư vào tối thiểu ba nhà máy ở châu Á, đó là các nhà máy ở Thanh Đảo và Thượng Hải (Trung Quốc) cũng như tại Ulsan (Hàn Quốc).
Công ty Clariant cũng đã điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh bột màu của mình. Năm 2007, Clariant đã đóng cửa các nhà máy tại đảo Rhode. Năm 2009, Công ty đóng cửa một phần một nhà máy tại Frankfurt(Đức) và năm 2010 đóng cửa một phần một nhà máy tại Thane (Ấn Độ). Trong năm 2009, Clariant cũng đã đưa vào vận hành một nhà máy bột màu quinacridon công suất lớn tại Hàng Châu, Trung Quốc – đây là nhà máy liên doanh với một đối tác Trung Quốc.
Thị trường bột màu hữu cơ tính năng cao
Trong thập niên qua, nhiều nhà sản xuất bột màu hữu cơ tại phương Tây cũng đã tiến hành các chương trình hợp lý hóa sản xuất. Từ năm 2004, Công ty Sun Chemicals đã đóng cửa hai nhà máy bột màu tại Bắc Mỹ, tiến hành giảm sản lượng một số sản phẩm bột màu mang lại ít lợi nhuận ở Bắc Mỹ và châu Âu. Hiện nay Công ty đang tăng cường sản xuất bột màu tại Trung Quốc và hợp tác nhiều hơn với các nhà cung ứng ưu tiên tại đây.
Các công ty tiếp thị các sản phẩm tiêu dùng với xu hướng chú trọng đến tính bền vững đang bắt đầu có ảnh hưởng đến việc những loại bột màu nào sẽ được sử dụng để nhuộm màu các sản phẩm tương ứng. Ví dụ, các nhà sản xuất đồ chơi trẻ em đang tránh sử dụng bột màu truyền thống, thay vào đó họ ưu tiên sử dụng những sản phẩm bột màu đã được Cục Quản lý Thực phẩm, thuốc và mỹ phẩm Mỹ (FDA) chấp nhận để tránh những lo ngại về ô nhiễm kim loại nặng.
Trong thời gian 10 năm tới, các chuyên gia Thụy Sĩ dự báo người tiêu dùng sẽ dịch chuyển từ sách và tạp chí in sang các dụng cụ điện tử cầm tay. Ngày nay, máy tính bảng iPad của Công ty Apple cho phép người tiêu dùng đọc tin trên màn hình sáng rõ và nhiều màu sắc. Tuy nhiên, các thiết bị này tiêu tốn khá nhiều năng lượng.
Trong tương lai gần, các màn hình điện tử mới, sử dụng các loại bột màu hữu cơ tính năng cao để làm các bộ lọc màu, sẽ tạo điều kiện cho người sử dụng có thể đọc tin và xem hình ảnh màu với chất lượng cao, tiêu tốn ít năng lượng. Những màn hình như vậy sẽ có khả năng cạnh tranh cao với báo in truyền thống. Theo một số chuyên gia, những màn hình mới cuối cùng có thể đe dọa sự tồn tại của thị trường báo in.
Tuy lượng bột màu sử dụng trong các màn hình điện tử sẽ không thể bù đắp cho lượng bột màu suy giảm trong ngành in báo, nhưng các công ty trong ngành cũng đang hy vọng sẽ chiếm được thị phần đáng kể trong lĩnh vực này.
Tương tự như các thị trường bột màu truyền thống, thị trường bột màu sử dụng trong các màn hình điện tử đã bắt đầu được khởi động tại phương Tây, nhưng triển vọng tăng trưởng cao nhất vẫn sẽ là ở châu Á.