Tableware-Tương lai của ngành công nghiệp thủy tinh Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành thủy tinh thế giới, thị trường Việt Nam là thị trường tiềm năng về sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thủy tinh tableware (bao gồm các sản phẩm sử dụng trang trí và ăn uống, như ly, cốc, chén, đĩa, lọ hoa, bình, gạt tàn…).
Ngành sản xuất kính và thủy tinh Việt Nam đã có nhiều năm phát triển. Kể từ những năm 90, khi mà những m2 kính đầu tiên được sản xuất tại Nhà máy Viglacera Đáp Cầu, tính đến nay, ngành công nghiệp thủy tinh Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ. Với 7 nhà sản xuất kính phẳng xây dựng và gần 100 nhà gia công kính, ngành công nghiệp thủy tinh đã cung cấp được tất cả các sản phẩm kính, từ các sản phẩm cơ bản (kính nổi, kính cán vân hoa) đến các sản phẩm gia công (kính tôi nhiệt, kính dán, kính hộp, gương), đáp ứng được nhu cầu trong nước. Tương tự, ngành sản xuất chai lọ với 2 nhà máy lớn và 1 nhà máy chuẩn bị khởi công xây dựng đã và sẽ đáp ứng được các nhu cầu sử dụng chai lọ từ các đơn vị sản xuất nước giải khát, đồ uống có cồn… Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là tương lai của ngành thủy tinh Việt Nam sẽ như thế nào?
Là một thành viên của Liên Hiệp hội các Nhà sản xuất Thủy tinh Đông Nam Á (AFGM), Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài với hầu hết các nhà sản xuất kính và thủy tinh lớn trên thế giới. Trong các Hội nghị thường niên của Ngành thủy tinh Đông Nam Á (ASEAN Glass Conference, sự kiện thường niên do AFGM tổ chức), với sự tham gia của hơn 200 giám đốc, chuyên gia kỹ thuật của các Tập đoàn lớn đến từ châu Âu, Mỹ, châu Á và Úc, đại diện Hiệp hội đã có dịp trao đổi với các chuyên gia của ngành công nghiệp thủy tinh thế giới.
Theo chuyên gia Costello, đại diện của GIMAV (Hiệp hội Thủy tinh Italia) , hiện nay ngành công nghiệp thủy tinh Việt Nam đã sản xuất được hầu hết các chủng loại kính và thủy tinh thông thường, vì vậy tương lai của ngành công nghiệp thủy tinh Việt Nam sẽ tập trung vào các sản phẩm cao cấp. Ví dụ trong ngành kính là các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, kính chịu lửa. Về các sản phẩm thủy tinh, chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh đến sự thiếu hụt của ngành công nghiệp thủy tinh Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm tableware. Theo ý kiến chuyên gia, các sản phẩm tableware là các sản phẩm công nghệ cao và mang giá trị cao (ví dụ như các loại bình hoa nghệ thuật, cốc chén nghệ thuật…) mà thị trường Việt Nam chưa sản xuất được. Các sản phẩm này chủ yếu được nhập từ châu Âu (đối với các sản phẩm cao cấp) và từ Trung Quốc hoặc Đông Nam Á (với các sản phẩm thông thường). Như vậy, việc phát triển sản xuất tableware sẽ có tương lai ở thị trường Việt Nam, nhất là khi đời sống người dân ngày càng được cải thiện, từ đó sẽ kéo theo các nhu cầu về trưng bày, thẩm mỹ.